0

Thường thì cuộc hành trình du lịch từ Pleiku lên KonTum, những đoàn khách đều dừng lại ở hồ T’Nưng. Đây là một thắng cảnh lộng lẫy và càng quyến rũ hơn khi bạn chạm chân đến nơi này vào buổi sáng, khi mặt trời còn chưa lên cao, trong cái lạnh của cao nguyên, khi đó mặt hồ dờn dợn màu bạc của ánh nắng  ban mai phản chiếu xuống giống như bạn đang lạc vào một nơi chốn yên bình.

Hồ T’Nưng (T'Nưng, có nghĩa là "biển trên núi") hay còn gọi là hồ Ia Nueng nằm ở phía Bắc Gia Lai, cách Trung tâm Thành phố Pleiku khoảng 7km, thuộc xã Biển Hồ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Mọi người gọi tên quen thuộc là Biển Hồ vì diện tích hồ rất rộng tới 230 hecta nằm bao quanh những rừng thông và núi, vào mùa mưa, mặt nước có thể lan rộng ra trên 400 hecta nên khám phá hồ là một điều thú vị.



Độ sâu của lòng hồ cũng đầy hấp dẫn vì có nơi lên tới 30 mét, đến nổi có lời đồn đại là dưới lòng hồ nước chảy ra tới biển Đông. Để đi hết hồ là một kỳ công và mất nhất nhiều ngày.

Ngày 16/11/1988, Biển Hồ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng Di tích danh thắng, tuy nhiên cho đến thời điểm này, nơi đây vẫn là một thắng cảnh chưa được khai thác. Nhưng chính vẻ hoang sơ đến lạ ấy lại càng quyến rũ người tò mò tìm đến.



T’ Nưng là tên một Buôn làng. Câu chuyện lồng vào  trong cuộc hành trình  càng gợi cảm cho du khách đến. Đó là ngày xưa tại đây có một làng tên T’ Nưng, con gái và con trai trong làng đều xinh đẹp, sống chung  với nhau rất vui vẻ. Thế rồi một ngày nọ trời đất chuyển mình, mấy mưa dữ dội. Từ dưới lòng đất ngọn lửa phun lên ào ạt, trong phút chốc ngọn lửa ập xuống xóa tan đi làng. Sau khi lửa tắt, ngôi làng chỉ còn là một hố sâu thăm thẳm. Những người của làng T’Nưng còn sống đã  đứng trên hố sâu ấy mà khóc, nước mắt họ đã đầy hố sâu ấy thành hồ T’ Nưng.



Con đường rẽ vào hồ T’Nưng điểm xuyết bởi hai hàng thông ba lá, tảo bóng mát cả ngày. Con đường chùng xuống, quanh co thơm mùi nhựa thông, mát mẻ kể cả khi nắng lên.  Một căn nhà kiên cố ngay mũi  đất nhô ra hồ. Chưa vội lên trên để ngắm nhìn, có thể nhón chân giữa cỏ cây bên dưới ấy mà chụp ảnh hoặc ngắm nhìn hồ. Rừng nối rừng với một màu xanh ẩn khuất, mặt hồ long lanh trong ánh nắng khiến cho lòng dấy lên một cảm giác khó tả. Còn trên ngôi nhà cao để ngắm nhìn một góc hồ, ta có thể nhìn thấy bao quát  mặt hồ với nhiều tầm nhìn khác nhau.



Nhưng dừng chân, ngắm nhìn thoáng qua thật ra chỉ mới thấy vẻ đẹp bên ngoài. Những cuộc hành trình mang tính mạo hiểm, để làm cho khách có một cảm giác khác là điều mà nhiều  nhóm Hướng dẫn viên đã tổ chức. Bạn có thể lên một chiếc thuyền độc mộc (loại thuyền làm bằng nguyên một thân cây cổ thụ) để   đi trên mặt hồ. Chuyến đi sẽ len lách vào trong rừng, khám phá sự kỳ vĩ của núi chen rừng, gặp rất nhiều loại chim trời tự nhiên sinh sống bao quanh có thể kể ra đây: sin sịt, bói cá, cuốc đen, kơ túc, kơ vông, le le, ngỗng trời, đ’rao, trắc la… bay lượn mà chẳng hề sợ sệt con người. Chen ở những ngõ ngách của hồ chính là  những vạt hoa súng, hoa sen như điểm xuyết cho không gian sự  sinh động.



Chưa hết, chỉ cần một chiếc cần câu mang theo, thả xuống hồ là có thể dễ dàng câu những con cá. Ở hồ có cá chép, cá trôi, cá đa, cá trắm… và không hiếm những con rùa, con ba ba sống ở đây cả trăm năm thỉnh  thoảng trồi lên mặt hồ tò mò ngắm nhìn cuộc sống.

Đi sâu vào bên trong, có thể gặp khuất sâu trong ấy là những buôn làng người dân tộc Ba Na, Gia Rai… Những buôn làng đẫm chất Tây Nguyên ấy sống dựa vào nguồn lợi của  hồ T’ Nưng, và rất hiếu khách. Nếu thích, bạn có thể ở lại trong  đêm, đốt lửa trại và thưởng thức chính những con cá mà bạn đánh bắt được từ hồ T’Nưng kia nướng trên lửa than cùng với rượu Cần.



Còn nếu không làm một cuộc rong chơi ấy. Bạn cứ bước chân theo những bậc cấp lên tận căn nhà xây kiên cố dành để cho khách tham quan. Tại đây có thể phóng tầm mắt nhìn T’Nưng rộng thênh thang trong nắng ngập tàn. Tại đây, có thể nhìn thấy những con thuyền đang ở lòng hồ, và cả những bầy chim trời nhốn nháo bay qua.

Từ Trung tâm Thành phố Plei Ku, tỉnh Gia Lai đi về hướng KomTum khoảng 7 km, gặp ngã ba (Quốc lộ 14) thì rẽ về bên phải khoảng 1 km là gặp Biển Hồ, bạn rẽ về trái đi sâu xuống thêm 500 mét, vượt qua một rừng thông, con đường dốc khá nguy hiểm. Hiện tại ở đây chỉ bán vé giữ xe và các dịch vụ giải khát đơn giản, nếu có nhu cầu đăng ký tour tuyến vẫn có thể đăng ký tại đây để đi thuyền.

Theo Khuê Việt Trường (Tạp Chí Du Lịch)
Du lịch, GO!

Đăng nhận xét

Du Lịch Miền Bắc

 
Top