0

Nằm sâu trong khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, Bưng Thị còn hoang sơ, đầy tiềm năng về du lịch. 

Mùa này vào Bưng Thị sẽ được thưởng thức vị ngọt, bùi, đắng, chát của những trái say, trái cám, trái thị đang vào độ chín. Và một điều không thể bỏ qua là ngâm chân trong dòng suối có 2 nguồn nước nóng, lạnh.

Hôm ấy, chiếc UAZ nhà binh chở tôi và vài người nữa vòng vèo gần 6 cây số đường rừng không ít gai gốc mới đến được Bưng Thị. Rừng bao quanh khu Bưng Thị chủ yếu là cây sến tự nhiên, sống khỏe, toàn cảnh khu rừng đẹp như một bức tranh.

Đây đó, mấy chú gà rừng, sóc nâu và một số loài chim lạ bay nhảy. Nhưng anh kiểm lâm đi cùng bảo, chúng tôi không được may mắn ngắm nhìn con công cánh rộng đến cả mét, heo rừng nặng đến 80 kg như một số người đã từng được chiêm ngưỡng.

< Quả thị trong rừng Bưng Thị.

Bưng Thị hoang sơ thật. Mọi thứ nơi đây như chưa hề có dấu chân người. Đầu nguồn con suối lạ với 2 nguồn nước nóng, lạnh được đánh dấu bằng ống sắt, nghe nói các nhà địa chất đã làm dấu lúc tìm ra nguồn nước kỳ lạ này.



Quanh ống sắt đó, cái ống sắt mà mấy anh kiểm lâm gọi là “ống sắt thần” ấy được đào một cái ao sâu khoảng 30 tấc, đường kính rộng gần 1m chứa nước trong vắt, nóng hơn 800C, người ta thường bỏ trứng gà vào luộc hồng đào thưởng thức rất ngon.

Cũng từ đây, nước tràn ra và chảy thành dòng nhỏ xuống nơi thấp nhất của Bưng Thị. Rồi nước chảy liu riu luồn qua những gốc cây, những lá khô đến một điểm tạo thành một con suối to hơn. Con suối to này chính là nơi tồn tại 2 nguồn nước nóng và lạnh. Nước suối ở đây trong vắt, nhìn thấy rõ mọi thứ dưới đáy.

Đặc biệt, dưới đáy có rất nhiều mạch nước nhỏ sôi lên trắng xoá. Đó có lẽ là những mạch nước làm lạnh dòng nước nóng tạo ra độ ấm để người ta có thể ngâm chân được. 

Đến đây không chỉ thích thú với suối nước nóng. Mùa xuân này, chúng ta sẽ được tha hồ ăn những loại trái cây rừng như: say, cám, trâm, thị… 


< Thưởng thức trứng gà sau khi luộc.

Không nhiều như cây sến chỉ biết ra hoa nhưng say, thị ở đây cũng đủ để du khách thưởng thức khi vào mùa trái chín. Dễ ăn nhất là thị, thị thấp lè tè, dễ hái.

Chẳng thế mà dân gian gọi khu này là Bưng Thị. Tôi cũng tranh thủ thưởng thức thật nhiều và cảm giác lạ lẫm, thú vị dâng tràn.

Trong khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, du lịch sinh thái cáp treo lên chùa núi đã hình thành và phát triển mạnh mẽ. Còn lại Bưng Thị, với con suối nước nóng kỳ lạ và sự đa dạng phong phú của động, thực vật nơi đây cũng rất cần được đầu tư để phát triển du lịch. Có như vậy thì Bưng Thị mới được nhiều người biết đến hơn.

Du lịch, GO! - Theo Bình Thuận Online, internet



Ba lần đến Bưng Thị

Ngay cả người Phan Thiết cũng ít biết Bưng Thị dù chỉ cách có 35 km. Bưng Thị nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Ta kóu, gần  như không có đường vào.

Tôi đi Bưng Thị lần thứ nhất bằng cách thông thường , đó là ghé trạm kiểm lâm nhờ chỉ đường. Các anh nhìn mấy nhà báo lỉnh kỉnh máy móc nói: “ Không đi được “. Nhưng do bọn tôi cứ chứng minh là mình quen đi bộ nên cũng được chỉ. Đi hết cả buổi sáng mà chẳng thấy cái bưng nào, đành quay ra, chạy xe sang xã khác cách đó cả 2 chục km để đi vào phía bên kia bưng, vẫn không được, đành về.



Lần thứ 2 chúng tôi vào nhà dân nhờ một cái máy cày Liên Xô cũ to đùng chở đi. Hương Giang ( chủ bút Chân tình bên BTV ) ngồi với bác tài, 3 đứa tôi ngồi trên…lưỡi cày. Đường không có nên cứ chui rừng mà đi. Đang chui, một cành cây quyệt xuống lôi cái nón của tôi ra khỏi đầu và treo lơ lửng trên cao. Mặc kệ, cả bọn tạm biệt nó rồi lại đi. Cuối cùng cũng vào tới nơi. Bưng Thị có gì mà hấp dẫn nhà báo thế? Hẳn sẽ có người tò mò.

Đây là một suối nước nóng thuộc huyện Hàm Thuận Nam của tỉnh Bình Thuận. Vào năm 1976 một đoàn địa chất đã khoan ở đây 2 mũi và cắm xuống 2 chiếc ống đường kính khoảng 10 cm. Hai ống nằm cách nhau hơn 1 mét nhưng một bên là nước nóng, một bên là nước lạnh. Thời gian đã làm ống nước lạnh hỏng mất, nước nóng chảy chan hoà trên mặt đất, nóng đến 76 độ C. Người ta thường  mang trứng gà đến thả vào dòng chảy rồi lấy ra ăn. Chúng tôi trải nilon nằm dưới rừng dầu, cắt cơm nắm chấm với muối mè ăn.



< Quả Thị  rừng - thứ khiến cả khu rừng này mang tên Bưng Thị.

Vào mùa trái chín, mỗi cơn gió nhẹ thổi lên là hàng trăm bông hoa dầu bay ra khỏi cây phiêu du trong gió. Hoa dầu ở thành thị thảng hoặc cũng có nhưng nhỏ xíu, hoa dầu trong rừng trái bằng trái nhãn, hai chiếc tai thỏ xinh xinh dài khoảng 5 cm, khi bay theo gió trái xoay tít như chong chóng. Nhìn lên có cảm giác một bầy chuồn chuồn đang lượn trong không gian.

Nhờ những chiếc tai dài này mà trái dầu phát tán đi khắp nơi để mọc thành cây dầu mới- một cây cung cấp nhựa cho người dân biển trét thúng chai đi đánh bắt hải sản.

Cây dầu bị khai thác theo kiểu chặt vát một miếng ở thân, phía dưới miếng chặt  phải có một diện tích khá trũng để chứa dầu, người dân sẽ múc dầu từ đó khi đầy chứ không gắn chén vào cây như cao su. Cách khai thác này có vẻ huỷ diệt  quá nhưng khi chúng tôi nằm dưới tán rừng này ở một góc phù hợp những cây dầu bị vát cùng một miếng như nhau nhìn lại ngồ ngộ.

Nhưng thú nhất là đi dưới rừng Bưng Thị với chi chít cây nắp ấm. Trong cuốn Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Giáo sư Đỗ Tất Lợi cây nắp ấm là cây ăn côn trùng, chữa được nhiều bệnh trong đó có bệnh phù thủng vàng da. Cây nắp ấm mới mọc đã có một cái ấm bé tẹo màu vàng xanh nhàn nhạt để thu hút côn trùng bò vào, thường chúng sống ở  vùng đất nghèo dinh dưỡng nên hút chất dưới đất chẳng đủ nuôi cây. Cây càng lớn cái ấm càng to, chúng dài khoảng 25 cm trông như một chiếc ống nghiệm, phía trên có một vành môi màu đỏ tươi rất đẹp và trơn, trên ống là một cái nắp nhỏ.



< Cây nắp ấm.

Khi côn trùng ngửi thấy mùi thơm sẽ bò vào, ngã xuống ống và không thể nào lên được, nắp sẽ dậy lại và côn trùng bị tiêu huỷ từ từ. Tôi nhìn vào trong từng ống, ống nào cũng có vài ba con côn trùng, không hiểu chúng bị tiêu hủy bằng cách nào nhưng nếu không tiêu hủy được thì mỗi ấm chứa khoảng vài chục con chứ không phải vài con vì con nào cũng đang còn sống. Cây nắp ấm cũng có lá, những chiếc lá rất dài, lá và ống được nối với nhau bằng một đoạn dây dài gấp 3 lần ống. Cây lớn, ấm treo lủng lẳng vắt lên những cây khác để săn mồi, cây nhỏ thì ấm đặt chi chít dưới chân nhìn yêu vô cùng.



< Trái dầu đây, khi rơi nó vừa bay vừa xoay như chong chóng.

Nắp ấm và dầu chỉ là 2 trong số hàng nghìn loài cây của Bưng Thị. Cây dương xỉ ở đây cao quá đầu người và xanh mướt mát. Nhiều loại dây leo không tìm nổi gốc, to như bắp chân người cứ vặn vẹo từ cây nọ bò sang cây kia. Phần lớn tôi không biết tên tuổi của chúng nhưng những thảm cỏ thì tuyệt. Chúng dày, mượt, mê man hoa dại tím, trắng, vàng, xanh nhạt… Hoa dại biến cỏ thành những tấm thảm trải dài trong rừng, khiến giấc mơ chuyện cổ tích thời con trẻ bỗng như có thật. Mùa chúng tôi đi không có, nhưng đầu xuân, cánh rừng này tím ngát Địa lan. Chúng là nguyên nhân của các cuộc tham quan nở rộ gần Tết.



Giống như trên bờ, con suối nhỏ và rất cạn cũng có 2 làn nước trong cùng một dòng chảy. Một bên nước 46 độ C bốc hơi nghi ngút, một bên nước gần như nước để trong ngăn dưới  tủ lạnh. Chỗ hai làn nước giao nhau âm ấm. Có những con cá bé bé bơi lội tung tăng trong nước lạnh tuyệt nhiên chưa nhảy qua nước nóng bao giờ. Chúng tôi cứ thò tay vào nước nóng kêu oai oái rồi lại chọc chân vào nước lạnh, trầm trồ thán phục sự kỳ diệu của thiên nhiên.

Chơi trên bờ chán,  tôi và Giang lội xuống suối, con suối cạn thế bỗng cứ lún dần lún dần, hai đứa vừa kêu om sòm vừa phải bám víu vào những gì có thể để lên lại trên bờ. Hoá ra  lá cây mục khiến dòng suối nhìn cạn chứ thực ra không biết nó sâu đến đâu. Suối cũng không hẳn là có dòng chảy, có bờ, ven bờ hoa dại nở lác đác…như tôi vẫn nghĩ. Suối nằm lẫn trong cây. Có nhiều cây lá dài lằng nhằng bé tí như lá thông , có cây lá to hơn lá chuối, rừng rậm không có gió lớn nên chúng lành lặn, xanh mướt nhìn như lụa.

Đi dọc bờ suối toàn gặp rắn, con thì xanh, con thì vàng, không lớn lắm nhưng rất đáng sợ nên chúng tôi phải cầm theo những cây  que dài để xua đuổi rắn trước khi bước vào thế giới của chúng.



< Một loại rêu màu đỏ.

Buổi chiều chúng tôi ra khỏi rừng, đi ngang chỗ cái cây giữ nón của mình, không thấy nón đâu, hoá ra gió đã lấy lại dùm. Chúng tôi nhảy xuống nhặt nón và leo lại lên chiếc xe đi chậm còn hơn người ta đi bộ.

Lần thứ ba tôi vào  Bưng Thị cùng nhóm làm phim của đài THVN, có xe huyện Hàm Thuận Nam đưa đi. Tài xế rất giỏi đường, nhìn trước mặt là cây nhưng khi xe lao vào thì lại có đường nên chúng tôi đến nơi  rất nhanh. Mọi người bỏ xuống suối nước nóng 50 cái trứng gà và chờ 10 phút. Trứng chín rất lạ, đập ra lòng trắng không chín, chảy đi hết còn lại lòng đỏ, nhưng lòng đỏ co lại biến thành  một viên bi vàng sẫm ăn không bị chín qúa cũng không lòng đào mà dẻo và thơm, ngon lạ lùng.



Đạo diễn Bùi Phùng bảo : “ Tôi ghét nhất trứng gà luộc “ nhưng cuối cùng ăn đến 4 trái. Cháu ngoại nhạc sĩ Phạm Tuyên  mới 2 tuổi cũng ăn được 3 trái.

Tôi được mời làm dẫn chương trình, ăn nhiều không tốt nhưng vì ngon quá nên mặc kệ lời nhắc của đạo diễn. Khi về tôi mang theo một chai nước, đổ vào nồi, cho trứng vào luộc, chín như luộc bằng nước máy. Lạ thế.

Huyện Hàm Thuận Nam biết Bưng Thị rất qúy và độc đáo nhưng chưa biết nên chọn cách đầu tư nào để vừa giữ được cảnh quan thiên nhiên vừa khai thác tiềm năng cho hiệu quả.



< Đây là trái Hồng Rừng.

Để nhiều người biết Bưng Thị- nơi một dòng suối có hai nhiệt độ nước, nơi trứng chín lòng đỏ chứ không chín lòng trắng, nơi cây nắp ấm đung đưa dụ côn trùng, nơi hoa dại nở ngát trời…là một ước muốn của tôi, tôi muốn khoe với nhiều người cảnh đẹp này, muốn họ được hoà mình vào nó, được xoè tay đón hoa dầu rơi. Nhưng tôi cũng sợ Bưng Thị sẽ ồn ào hơn, đô thị hơn.

Chúng tôi đã hẹn nhau quay lại Bưng Thị, mang theo một cái xẻng con và tấm nilon, chúng tôi sẽ đào một cái hố, lót nilon xuống để có một bồn nước nóng sang trọng giữa rừng rậm. Nhưng tất cả vẫn chỉ là hẹn, còn thực hiện nó, có lẽ chờ mùa Địa Lan nở tím trời.   

Theo: Du lịch, GO! - Theo Kimoanh.vnweblogs

Đăng nhận xét

Du Lịch Miền Bắc

 
Top