0

Ẩn mình giữa khu rừng cổ của Bình Thuận, thác Bà đẹp hoang sơ với những tảng đá lớn nhỏ dọc thác và những tầng thác chưa được khám phá trọn vẹn.

Thác Bà toạ lạc tại xã Gia An, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Có rất nhiều hướng để du khách đến thác như từ Phan Thiết (cách 100km), từ Sài Gòn (cách 140km) hay từ thị trấn Đạmri, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng (cách 40km). Mỗi cung đường có một vẻ đẹp khác nhau và đều làm say lòng người.


Riêng những du khách phượt từ Phan Thiết, Sài Gòn, sau một ngày rong ruổi trên thác thường thích hướng chạy ra thị trấn Đạmri, thu phục những đường cua gấp khúc như cùi chỏ của đèo Tà Pứa dài hơn 5km.
Nguy hiểm là vậy nhưng khi đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống, vùng đất Tánh Linh của Bình Thuận hiện ra tuyệt đẹp với những dãy núi chập chùng, con kênh uốn lượn, những mái nhà ẩn hiện, ruộng lúa bạt ngàn.



< Muôn hình những tảng đá dưới chân thác.

Thác Bà nằm gọn trong núi Ông và gắn với một truyền thuyết xưa về tình yêu son sắt của người vợ, sự ăn năn hối hận của người chồng.

Chuyện kể rằng, ở đây có hai vợ chồng và một người con trai chung sống. Người chồng rất thương yêu vợ nhưng có một tật xấu là khi ngồi vào bàn cờ, thì không ai hay điều gì có thể khiến ông phân tâm.


Một ngày kia, ông lên núi đánh cờ với tiên ông. Đều là những tay lão luyện, ván cờ của hai vị kéo dài từ ngày này sang ngày khác, tháng này qua tháng kia, năm này đến năm nọ. Người vợ ở nhà chờ chồng đến khi tóc bạc như mây vẫn không thấy chồng về. Bà qua đời, tóc xoã trắng bên sườn núi thành một ngọn thác.

Sau khi kết thúc ván cờ, người chồng về nhà, thấy vợ đã mất. Vừa giận mình, vừa hối hận, ông hoá thành ngọn núi ôm thác trong lòng. Đến nay, đền thờ Ông và dinh Cậu vẫn còn trên đỉnh núi.


Muốn đến thác Bà, du khách phải trải qua cảm giác hồi hộp thót tim khi men theo con đường mòn nhỏ ẩn sâu dưới những tán cổ thụ to hơn hai người ôm, trải nghiệm cảm giác trơn trượt, cái nóng như than khi men qua những tảng đá lớn.

Song bù lại, du khách sẽ chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của dòng nước trắng xoá uốn lượn gập ghềnh qua các dốc đá, bồng bềnh như mái tóc xõa dài của người phụ nữ. Cũng như chứng kiến tình yêu, sự bao bọc và lòng hối hận của người chồng dành cho vợ qua những tảng đá lớn nhỏ xung quanh thác. Màu xám, sự cứng cáp của đá, nét dịu dàng của dòng nước, màu xanh của cây rừng khiến thác Bà vừa hùng vĩ, vừa yên bình.

Theo những người đi rừng, thác Bà có 9 tầng, mỗi tầng cao từ 15-25m. Nhưng do địa thế khó đi, lại chưa được đưa vào khai thác nên hiện nay du khách đến với thác Bà chỉ có thể chinh phục được ba trong số đó là thác số 7, 8 và 9.

Thác số 7 mạnh mẽ với những dòng nước lớn nhỏ tung toé và buông thẳng xuống từ độ cao 15m. Thác số 8 lại như một người thiếu nữ mảnh dẻ, nhẹ nhàng luồn lách qua những tảng đá lớn, trông xa như chiếc khăn trắng xoá uốn lượn giữa thinh không rồi phình rộng thành một hồ nước trong vắt.

< Nướng thịt dưới chân thác.

Từ hồ nước đó, vượt qua ghềnh nhỏ, dòng nước lúc buông mạnh, lúc uốn lượn qua các dốc đá cao gần 20m, rồi hòa vào dòng suối nhỏ dưới chân thác tạo thành thác số 9.


Từ trên cao nhìn xuống, những tảng đá dưới chân thác Bà uy nghiêm như những người lính tận tụy canh giấc ngủ thiên thai cho chủ nhân của mái tóc. Xa xa, những tán lá rừng đan vào nhau như bức tranh thuỷ mặc.

Sau khi khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của ba thác, du khách thường dừng chân ở thác giữa, ngâm mình trong hồ nước trong vắt, lạnh một cách kỳ lạ, thả người thư giãn hoàn toàn, nghe tiếng thì thầm của đá, tiếng chim ríu rít trong rừng.

Chú ý: Thác Bà phù hợp cho picnic hơn là cắm trại. Không lưu lại thác sau 18h. Nên chuẩn bị đồ ăn, thức uống trước khi đến thác.

Du lịch, GO! - Theo web TCDL, ảnh Zing, Sotaydulich

Đăng nhận xét

Du Lịch Miền Bắc

 
Top