0

Khu phố cô Hội An
Khu phố cổ Hội An là mẫu hình tồn tiêu biểu về một cảng thị truyền thống Đông Nam Á trong giai đoạn thế kỷ 15 – 16. Cảng thị này có mầm mống sơ khai từ trước Công nguyên với nền văn hoá Sa Huỳnh được tiếp tục phát triển dưới thời Chăm (thế kỷ 2 sau CN – thế kỷ 15) và cực thịnh trong thời Đại Việt, Đại Nam (thế kỷ 15 – thế kỷ 19). Bên cạnh các di tích, di chỉ khảo cổ có niên đại trên 2000 – 3000 năm là một số lượng lớn di tích kiến trúc, chủ yếu làm bằng gỗ, có niên đại phổ biến từ thế kỷ 17 – 19.

Năm 1999, đã có 1360 di tích, danh thắng với nhiều loại hình được thống kê. Đó là những đình, chùa, lăng, miếu, mộ, cầu, giếng, nhà thờ tộc, thánh thất, hội quán, nhà ở … phân bố theo những trục đường truyền thống nhỏ hẹp, vừa mang đậm sắc thái địa phương Việt Nam, vừa thể hiện rõ sự giao lưu hội nhập văn hoá mạnh mẽ với các nước phương Đông và phương Tây.
Liên tục trong nhiều thế kỷ, những giá trị văn hoá truyền thống của nhân dân Hội An cùng với phong tục tập quán, các sinh hoạt, vui chơi, giải trí, cũng như các món ăn xưa vẫn được giữ gìn, và phát huy tương đối tốt.

Cù lao Chàm
Các nhà khảo cổ cho rằng cách đây 3.000 năm, Cù Lao Chàm đã có cư dân sinh sống. 1.000 năm trước đã có sự giao lưu buôn bán với nước ngoài. Trên đảo còn có một số di tích cổ như chùa Hải Tạng được xây dựng năm 1758 thờ Phật, miếu thờ Thần Yến Sào (năm 1843), giếng nước cổ của người Chăm. Cù Lao Chàm còn có nhiều cảnh đẹp thơ mộng, những bãi tắm cát trắng hoang sơ với nước biển xanh: bãi Ông, bãi Bìm, bãi Chồng, bãi Bấc; cùng các địa danh gợi trí tò mò: suối tình, cầu Mơ, suối Ông; nơi du khách nghỉ ngơi thư giãn hay săn thú, câu cá, câu mực trên biển. Đến đây du khách cũng có dịp xem những tổ yến bám trên các vách đá chênh vênh. Cù Lao Chàm còn nổi tiếng với hải sản quí như mực, tôm hùm, vây cá, bào ngư, cá hồng, cá mú, trứng vích, yến sào… những vật lưu niệm hấp dẫn như ngọc trai, ốc xà cừ, đồi mồi, san hô…

Di sản văn hóa Mỹ Sơn
Những dòng chữ ghi trên tấm bia sớm nhất ở Mỹ Sơn, có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4 cho biết vua Bhadresvara đã xây dựng một ngôi đền để dâng cúng vua thần Siva- Bhadravarman. Hơn hai thế kỷ sau đó, ngôi đền đầu tiên được xây dựng bằng gỗ đã bị thiêu huỷ trong một trận hỏa hoạn lớn.
Vào đầu thế kỷ thứ 7, vua Sambhuvarman đã xây dựng lại ngôi đền bằng những vật liệu bền vững hơn, còn tồn tại đến ngày nay. Các triều vua sau đó đều tu sửa các đền tháp cũ và xây dựng đền tháp mới để dâng lên các vị thần của họ. Với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 13, Mỹ Sơn trở thành trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của Vương quốc Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadravarman, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào cuối thế kỷ 4 kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần – vua và tổ tiên hoàng tộc.
Vào năm 1898, di tích Mỹ Sơn được phát hiện bởi một học giả người Pháp tên là M.C Paris. Vào những năm đầu thế kỷ 20 này, 2 nhà nghiên cứu của Viễn thông Pháp là L.Finot và L.de Lajonquière và nhà kiến trúc sư kiêm khảo cổ học H.
Parmentier đã đến Mỹ Sơn để nghiên cứu văn bia và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm. Cho đến những năm 1903-1904 những tài liệu cơ bản nhất về bia ký và nghệ thuật kiến trúc Mỹ Sơn đã được L.Finot chính thức công bố.
Tiền thân của quần thể kiến trúc Mỹ Sơn cổ kính này, theo văn bia để lại là một ngôi đền làm bằng gỗ để thờ thần Siva Bhadravarman. Nhưng đến khoảng cuối thế kỷ 6, một cơn hoả hoạn đã thiêu cháy ngôi đền gỗ. Bức màn lịch sử đã được các nhà khoa học vén dần lên thông qua những bia ký và lịch sử nhiều triều đại xưa cho ta thấy Mỹ Sơn là khu thánh địa quan trọng nhất của dân tộc Chăm suốt từ cuối thế kỷ 4 đến thế kỷ 15. Bằng vật kiệu gạch nung và đá sa thạch, trong nhiều thế kỷ người Chăm đã dựng lên một quần thể kiến trúc đền tháp độc đáo, liên hoàn: Ðền chính thờ Linga-Yoni biểu tượng của năng lực sáng tạo. Bên cạnh tháp chính (Kalan) là những tháp thờ nhiều vị thần khác hoặc thờ những vị vua đã mất. Mặc dù thời gian cùng chiến tranh đã biến nhiều khu tháp thành phế tích nhưng những hiện vật điêu khắc, kiến trúc còn lại cho đến ngày nay vẫn còn để lại những phong cách giai đoạn lịch sử mỹ thuật dân tộc Chăm, những kiệt tác đánh dấu một thời huy hoàng của văn hoá kiến trúc Chămpa cũng như của Đông Nam Á.
Mỗi thời kỳ lịch sử, kiến trúc mang phong cách riêng, cũng như mỗi đền tháp thờ những vị thần, những triều vua khác nhau tạo nên đường nét kiến trúc đầy dấu ấn, nhưng nhìn chung tháp Chàm đều được xây dựng trên một mặt bằng tứ giác, chia làm 3 phần: Ðế tháp biểu hiện thế giới trần gian, vững chắc. Thân tháp tượng hình của thế giới thần linh, kỳ bí mê hoặc. Phần trên cùng là hình người dâng hoa trái theo nghi lễ hoặc hình cây lá, chim muông, voi, sư tử… động vật gần gũi với tôn giáo và cuộc sống con người.
Theo các nhà nghiên cứu tháp Chàm cổ, nghệ thuật kiến trúc tháp Chàm tại Mỹ Sơn hội tụ được nhiều phong cách; mang tính liên tục từ phong cách cổ thế kỷ 7 đến thế kỷ 8; phong cách Hoà Lai thế kỷ 8 đến thế kỷ thứ 9; phong cách Ðồng Dương từ giữa thế kỷ 9; phong cách Mỹ Sơn và chuyển tiếp giữa Mỹ Sơn và Bình Ðịnh; phong cách Bình Ðịnh… Trong nhiều công trình kiến trúc còn lại khi phát hiện (1898) có tháp cao tới 24m, trong khu vực Tháp Chùa mà các sách khảo cổ, nghiên cứu về Mỹ Sơn có ký hiệu là tháp cổ Chămpa, có 2 cửa ra vào phía Ðông và phía Tây. Thân tháp cao, thanh tú với một hệ thống cột ốp. Xung quanh có 6 tháp phụ, toàn bộ ngôi tháp 2 tầng toả ra như cánh sen. Tầng trên, chóp đá sa thạch được chạm hình voi, sư tử, tầng dưới, mặt tường là hình những người cưỡi voi, hình các thiên nữ thuỷ quái. Nhưng ngôi tháp giá trị này đã bị không lực Mỹ huỷ hoại trong chiến tranh, năm 1969. Sau khi phát hiện ra khu tháp cổ Mỹ Sơn, nhiều hiện vật tiêu biểu trong đó đặc biệt là những tượng vũ nữ, các thần linh thờ phượng của dân tộc Chăm, những con vật thờ cũng như những cảnh sinh hoạt cộng đồng đã được đưa về thành phố Ðà Nẵng đặt tại bảo tàng kiến trúc Chàm. Tuy không phải là nhiều, nhưng những hiện vật này là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tiêu biểu, nó có giá trị văn hoá của một dân tộc, nhưng hơn thế nữa, nó là những chứng tích sống động, xác thực lịch sử của một trong những dân tộc trong cộng đồng Việt Nam giàu truyền thống văn hoá.
Mỹ Sơn đã được trùng tu bởi E.F.E.O (Ecole Francaise d’Extreme Orient) trong thời gian từ 1937 đến 1944, nhưng khu vực này đã bị bom Mỹ tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Đến năm 1975 , trong số 32 di tích còn lại, chỉ có khoảng 20 đền , tháp còn giữ được dáng vẻ ban đầu. Từ năm 1981 đến 1991, Mỹ Sơn được bảo quản và tu sửa từng phần với sự giúp đỡ về chuyên môn của công ty P.K.Z (Ba Lan). Phần lớn các tác phẩm điêu khắc ở Mỹ Sơn đã được người Pháp thu gom về Đà Nẵng vào những năm đầu thế kỷ 20 và được trưng bày tại bảo tảng Chàm. Khu di tích Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới tháng 12 năm 1999.
Làng hoa trái Đại Bường
Điều đặc biệt nhất ở đây là trong cùng một làng, cùng một mảnh vườn ta có thể thấy rất nhiều loài cây trái khác nhau ở cả miền Bắc, miền Nam và các giống cây nước ngoài, tạo nên sự phong phú kỳ lạ của các khu vườn. ở bến sông ven làng, quanh năm tấp nập thuyền buôn đến mua hoa trái.

Làng trống Lâm Yên
Khởi thuỷ về một làng nghề này thì không ai nhớ là nghề làm trống ở Lâm Yên có từ bao giờ. Từ bao đời nay khi đến những mùa lễ hội:” Cử chinh cổ” người dân Ðại Lộc nói riêng và vùng lân cận Ðiện Bàn, Duy Xuyên…thường nhắc đến câu ca:” Trống Lâm Yên- Chiêng Phước Kiều”.
Hiện tại ấp Nam (Lâm Yên) có một gia tộc họ Phan đã có trên 7 đời làm trống. Vào thời điểm của những năm đầu Trịnh- Nguyễn phân tranh ông Phan Công Thiên từ Hải Dương theo đoàn ngoài cư dân vào khai phá miệt vườn ở Quảng Nam. Ông dừng chân ở Lâm Yên (Ðại Minh- Ðại Lộc ngày nay) và sau đó duy trì được nghề truyền thống của tổ tiên dòng họ Phan và làng trống Lâm Yên tồn tại cho đến hôm nay.
Quy trình làm thành một chiếc trống (trống chầu, trống lịch, trống lân, trống chiên, trống chùa…) người thợ làm trống phải qua nhiều công đoạn khác nhau. Ðầu tiên là làm dăm trống và dăm trống ở đây được chọn phải là gỗ mít (cây mít). Gỗ mít được phơi khô và được người thợ bỏ mực, cưa xẻ theo chiều cong của dăm tuỳ theo kích thước của trống mà độ cong của dăm khác nhau. Dăm trống được bào nhẵn, tre được vót tròn nhọn làm niềng trống, dọn miệng phẳng. Thứ đến là da trâu mua về căng ra phơi cho khô, cắt mặt ngâm vào nước lạnh từ 2 đến 3 ngày, vớt ra thuộc mỏng. Sau đó đặt lên bịt vào đóng chốt thành mặt trống. Làm xong công đoạn này người thợ phải bào sạch mặt, láng ngoài rồi bắt niềng cố định cho trống.
Nghề làm trống đòi hỏi ở người thợ tính cần cù nhẫn nại, chịu khó và khéo tay khi bắt đầu đến khi hoàn thành sản phẩm. Mỗi chiếc trống làm ra đều có quy cách và kích cỡ nhất định theo từng loại: trống chầu, trống chiên, trống chùa… Nếu chiếc trống có kích thước trung bình (đường kính mặt trống từ 20-50cm) thì người thợ mất thời gian từ 2 đến 4 ngày. Mỗi sản phẩm làm ra đòi hỏi rất cao: chất liệu phải đảm bảo độ bền, độ vang của trống, dăm trống (thân trống) phải bằng gỗ mít và mặt trống phải bằng da trâu chứ không phải bằng bất kỳ chất liệu khác.
Hàng năm không phải mùa nào nghề trống ở Lâm Yên cũng đắt khách mà phải chờ vào tháng 3 (thanh minh) và tháng 8 âm lịch. Hai tháng này có nhiều lễ cúng tế có nhiều người đến đặt trống thì người thợ Lâm Yên mới có điều kiện và thời gian để làm trống.
Xã hội ngày một phát triển, trong đó có đáp ứng về nhu cầu tinh thần, nhu cầu văn hoá thể hiện qua các hình thức lễ hội, nghệ thuật… thì không thể thiếu bởi tiếng trống chầu, trống lịnh hay trống chùa. Chắc chắn nghề làm trống Lâm Yên- Ðại Minh- Ðại Lộc- Tỉnh Quảng Nam sẽ được duy trì và không ngừng phát triển.
Du lịch sinh thái Thuận Tình

Trong không gian khoáng đạt của vùng sông nước là rừng dương chạy dài tít tắp là thảm cỏ xanh mởn như nhung dưới chân khách du lịch… Nơi đây rất thích hợp với những chuyến dã ngoại cuối tuần, cắm trại, sinh hoạt tập thể, đến đây khách du lịch có thể đi thuyền trên sông, tìm hiểu đời sống của dân chài lưới hoặc tự tay mình buông câu, quăng lưới.

Ngoài ra du khách còn tham gia các chương trình văn hóa văn nghệ mang tính cộng đồng, các trò chơi dân gian hấp dẫn: hứng trứng, đập om… Xe xuất phát tại Ðà Nẵng lúc 6h và kết thúc lúc 6h cùng ngày. Giá trọn gói 100.000đồng/người.

Khe Lim
Theo dân gian thì vùng Lộc Vĩnh có nhiều khe, suối, với nhiều tên gọi khác nhau, có thể theo nhiều địa danh hoặc do truyền thuyết mà khe, suối chảy qua như : khe Hoa -có nhiều hoa; khe Dâu – có nhiều dâu, nguồn Cha (giống đực) nguồn Mẹ(giống cái), hai cụm từ này ghép thành dòng chảy của một con sông. Và tên gọi KHE LIM bắt nguồn từ khe chảy qua nhiều địa phận có nhiều cây lim (gỗ lim) hoặc bắt nguồn từ một dòng chảy lớn.
Khe Lim được bắt nguồn từ núi Am Thông, nằm trên đỉnh HIO-HIU có độ cao 882m so với mặt biển, có dòng nước cao ngất đổ xuống tạo thành nhiều tầng, bậc, chảy qua địa phận của hai thôn: thôn 8 và thôn Đông Phước gặp sông Cái, sông Vàng, từ đây hoà cùng sông Vu Gia xuôi về cửa Đại.
Khe Lim đẹp không chỉ riêng ngọn nước từ trên cao đổ xuống mà cả toàn cảnh của nó nữa. Hai bên bờ suối là những cánh rừng nguyên sinh yên ả, thảm động thực vật phong phú bao la xanh thẳm, quanh năm có nhiều hoa, lan rừng toả ngát mùi hương, cùng dãy HIO- HIU sừng sững ở phía Nam, tạo nên một vẻ đẹp thơ mộng hữu tình.
Khe Lim, vào những ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần hay mùa Xuân thường được nhiều du khách đến ngoạn cảnh. Đây có thể xem là một điểm du lịch lý tưởng cho một vùng trung du lý tuởng của Đại Lộc và Quảng Nam.

Bàng Than – vũng An Hòa
Vượt qua vùng cát trắng Chu Lai, với những hàng dương chạy dọc bờ biển Rạng, đến bến phà qua Trường Giang, ta sẽ nhìn thấy cảng Kỳ Hà nhộn nhịp ghe thuyền, thấp thoáng xa xa là ngọn hải đăng đêm đêm soi đường cho tàu biển.
Dọc theo bờ biển Tam Hải khoảng 4km, ta sẽ đến vùng đất mũi An Hoà. Có lẽ hình ảnh đầu tiên đầy ấn tượng đập vào mắt du khách là một hòn đảo nhỏ gọi là Hòn Dứa, cách không xa bờ biển án ngự lối váo vũng An Hoà, vào buổi chiều, hòn đảo rực lên một màu đỏ của đất bazan và màu xanh lục của thảo mộc, nổi bật lên giữa vùng biển xanh biêng biếc với từng đợt sóng nhấp nhô vào bờ đá, làm tung lên những bọt nước trắng xoá như hoa biển.
Mỗi dải đá đen tuyền lấp lánh như than đá trải dài trên bờ cát, bao quanh mũi An Hoà khoảng 3km, đó là Bàng Than(hay Bàn Than). Từng là lớp đá xếp chồng lên nhau, đó là những phiến thạch có nguồn gốc trầm tích biển.Nước và sóng biển xâm thực vào dải đá tạo thành những hình thù lạ mắt, kết hợp với hững vân đá trở thành những tác phẩm điêu khắc độc đáo của tạo hoá.
Trên mũi An Hoà có hai bãi biển, đó là: Bãi Bấc (ở phía Bắc), và bãi Nồm(ở phía Nam). Trên bãi Nồm có hai mỏm dài nhỏ nhô ra ngoài biển, được nhân dân địa phương gọi là ông Đụn và bà Che, giống như hòn non bộ được thiên nhiên tạo ra để tô điểm cho Bàng Than. Từ ông Đụn và bà Che nhìn ra biển là một đảo nhỏ gọi là hòn Mang, ngoài hòn một khoảng không xa là hòn Dứa; giữa hòn Mang và hòn Dứa có giăng đa Lão Hố với dải san hô ngầm nằm ở độ sâu khoảng 3 mét, xa xa về phía Nam có hòn Châm ngầm gần đảo Lý Sơn của Quảng Ngãi. Từ bãi Nồm, chúng ta có thể đi ghe ra hòn Mang và hòn Dứa, ở đây dưới làn biển xanh trong, ta có thể nhìn thấy một rặng san hô trắng tinh với đàn cá đủ màu sắc bơi lội trong nước…
Bàng Than-vũng An Hoà nếu được quan tâm tôn tạo, khai thác, sẽ trở thành một điểm tham quan du lịch hấp dẫn.

Hòn Kẽm Đá Dừng
Hòn Kẽm Đá Dừng cũng như con sông Thu Bồn chảy qua nó, đều gắn liền với nhiều truyền thuyết xa xưa. Dòng sông Thu Bồn thơ mộng chảy qua nhiều cụm núi đá, trong đó có Hòn Kẽm Đá Dừng như hai ngọn núi đá nhô ra, tắm mình trên sông nước, để rồi theo dòng chảy của thời gian, Hòn Kẽm Đá Dừng như được bàn tay của tạo hoá nắn nót thành những hình nét kỳ bí, ẩn mình trên những phiến đá, hoà quyện với thiên nhiên; cây rừng, sương mù, nắng ấm. Để rồi cùng những ngọn núi chung quanh như: núi Chúa, núi Cà Tang… tạo nên một bức tranh “sơn thuỷ hữu tình” trên dòng sông Thu thơ mộng. Vì thế mà từ bao đời nay đã lưu truyền câu ca dao:

Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng,
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi.
Đến với Hòn Kẽm Đá Dừng ngược dòng sông Thu từ Cửa Đại-Hội An hay đến từ sông Hàn -Đà Nẵng, sẽ là một cuộc du thuyền khá thú vị, trên dòng sông nước dài khoảng 30-40km, hoặc từ trung tâm thành phố Tam Kỳ, bằng ô tô, theo quốc lộp 1A về hướng bắc, đến ngã ba Hương An, rẽ trái về hướng tây nam khoảng độ 40km, du khách sẽ đến Hòn Kẽm Đá Dừng.

Làng lụa Duy Trinh
Lụa ở đây nổi tiếng khó có nơi nào sánh kịp. Trong lịch sử, ở thời điểm hưng thịnh của ngành trồng dâu, nuôi tằm tại địa phương, diện tích dâu lên đến 160ha và gần 200 hộ tham gia nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, dệt vải.
Đến thăm làng nghề khách du lịch sẽ được tận mắt chứng kiến các công đoạn và thao tác để tạo ra những sản phẩm nổi tiếng.
Làng chiếu Bảo Thạch
Sợi đay đơn sơ nhưng qua bàn tay khéo léo, tài hoa của những người phụ nữ Bàn Thạch đã trở thành những chiếc chiếu trắng, chiếu hoa, chiếu trổ, chiếu bông, chiếu nổi… rực rỡ, mịn màng và bền chắc.
Do địa thế nằm trong vùng sông nước Trà Nhiêu có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng với những nhánh sông rộng, uốn lượn dưới những bãi dừa rợp bóng mát, làng dệt chiếu Bàn Thạch đang trở thành một điểm đến của khách du lịch trong chương trình khám phá các làng nghề truyền thống của tỉnh Quảng Nam.

Đèn lồng Hội An
Đến Hội An, ngoài việc tìm hiểu và chiêm ngưỡng phố cổ, thưởng thức cao lầu đặc sản hay tìm chút thư giãn với dòng nhạc cổ điển … khi màn đêm buông xuống, du khách còn được tận hưởng những sắc màu lung linh huyền ảo, trữ tình của những chiếc đèn lồng giăng kín các ngả đường vào phố cổ. Có một chút gì như là sự hoài niệm về quá khứ, rất gần mà cũng rất xa, rất thật mà cũng rất mơ hồ. Dường như không khí của một thương cảng sầm uất đang hiện về, dưới ánh đèn lồng và dưới bóng những ngôi nhà cổ đầy chất thơ.
Đèn lồng Hội An từ lâu không chỉ đem lại cho phố cổ một nét riêng độc đáo mà còn là một mặt hàng quà lưu niệm hấp dẫn đối với khách du lịch. Đèn lồng Hội An đa dạng về màu sắc, chất liệu, kiểu dáng và hình thù, từ hình tròn, bát giác, lục giác đến hình trái bí, củ tỏi giản đơn. Người Hội An rất tự hào về những chiếc đèn lồng do chính tay mình làm nên. Để làm lồng đèn, tre phải là tre già ngâm với nước muối 10 ngày để chống mối, mọt sau đó phơi khô, vót mỏng tùy theo kích cỡ của loại đèn. Vải bọc phải là vải xoa hoặc lụa tơ tằm, có độ dai để khi căng không bị rách và người thợ căng vải cần có kỹ thuật để thẳng góc ở những đoạn cong. Phải mất 4 ngày từ khi vót nan cho đến khi xong 2 chiếc đèn lồng cộng với công vẽ, trang trí. Vào đêm trăng rằm, những chiếc đèn lồng lung linh dưới ánh trăng treo trước cửa mọi nhà. Đường phố cổ khi đó không tiếng xe, không ánh đèn điện, những chiếc đèn lồng càng lộng lẫy khoe sắc trước sự ngạc nhiên, thú vị của hàng vạn khách du lịch.
Đèn lồng Hội An khá đẹp, nhẹ và quan trọng là có thể thu gọn lại bằng cách xếp khung theo nếp để mang đi. Vì vậy không ít du khách mua vài chiếc đèn lồng như là sự lưu giữ kỷ niệm về một phố cổ nên thơ, đồng thời làm quà tặng thật ý nghĩa cho người thân. Đèn lồng Hội An đã trở thành nét văn hóa riêng của phố cổ.

Chùa Viên Giác
Cổng tam quan của chùa Viên Giác có hai cánh cửa sắt, chung quanh được xây tường xi măng. Trước chùa là hai hàng dừa xanh tươi. Chùa còn có hai cây đa cổ thụ phủ bóng mát quanh năm.

Bãi tắm Hà My
Bãi tắm Hà My được ví như nàng tiên đang ngủ vừa được đánh thức trong vài năm gần đây. Bãi tắm này hấp dẫn khách du lịch không chỉ bởi sự hoang sơ, sạch đẹp của cát trắng, rừng dương và bầu không khí trong lành mà còn bởi nhiều loại đặc sản tươi nguyên từ lòng biển.

Bãi biển Tam Thanh
Bãi biển Tam Thanh luôn đầy ắp nắng và sóng biển, là địa chỉ hấp dẫn cho khách du lịch trong những kỳ nghỉ hè.

Hội quán Quảng Đông
Nghệ thuật sử dụng hài hòa các chất liệu gỗ, đá trong kết cấu chịu lực và họa tiết trang trí đã đem lại cho hội quán vẻ đẹp đường bệ, riêng có. Hiện nay hội quán còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ như: 4 bức hoành phi lớn, 1 lư trầm lớn bằng đồng cao 1,6m rộng 0,6m, 1 cặp đôn sứ men ngọc Trung Quốc… Hàng năm, vào ngày Nguyên Tiêu (15/1 âm lịch) và vía Quan Công (24/6 âm lịch), hội quán lại tổ chức lễ hội rất linh đình, thu hút nhiều người tham gia.

Chùa Phước Lâm
Chùa được xây theo phong cách Á Đông cổ, theo hình chữ “Môn” gồm các hạng mục: tam quan, sân, chính điện, nhà đại đường, nhà thờ tổ. Chính điện xây 3 gian, 2 chái, hai bên là 2 lầu chuông hình tháp. Trong nhà đại đường còn lưu giữ nhiều cổ vật quý như bộ bình bát của sư tổ Minh Lượng, những bản kinh Phật khắc gỗ. Chùa Phước Lâm là một di tích tôn giáo góp phần làm phong phú loại hình kiến trúc Phật giáo và quá trình truyền bá ảnh hưởng của đạo Phật ở Hội An.

Cầu Nhật Bản
Chùa được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 do các thương nhân Nhật Bản thực hiện.
Chùa Cầu là một di tích có kiến trúc khá đặc biệt. Mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu dài 12m. Chùa và cầu đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu, mặt chùa quay về phía bờ sông. Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ. Tương truyền đó là những con vật mà người Nhật sùng bái thờ tự từ cổ xưa. Phần gian chính giữa (gọi là chùa) thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ – vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm cầu mong mọi điều tốt đẹp. Chùa được trùng tu vào các năm 1763, 1817, 1865, 1915, 1986.

Hồ Giang Thơm
Ngay dưới chân những thác nước, suối tạo thành những vũng nhỏ, ở đây nước luôn trong veo, từ trên nhìn xuống, mọi cảnh vật đều như thu nhỏ lại trong mọt tấm gương soi dưới làn nước. Tất cả đều hoà quyện cùng với những áng mây và sương trời, tạo thành bức tranh sơn thủy hữu tình, mà mỗi một du khách khi đặt chân đến đây đều phải ngơ ngẩn trước vẻ đẹp hoang sơ, thần bí, nhưng đầy chất trữ tình mà thiên nhiên đã ban tặng cho hố Giang Thơm; thêm vào đó khí hậu của Giang Thơm rất thích hợp cho những khách du lịch trong những ngày hè nóng bức.
Khu vực Giang Thơm có 3 hố nước, phân cách nhau bằng những hòn đá lồi và cao; ở đây có một tảng đá rộng, dựa sát vào vách núi, nơi khách tham quan có thề dừng lại để nghỉ ngơi, ngắm cảnh, thả hồn theo tiếng suối reo, sau những giờ thả bộ cùng thắng cảnh. Suốt dọc con suối là những triền đá nhấp nhô, lởm chởm, hấp dẫn những du khách tìm cảm giác lạ đến đầu nguồn con suối.
Với những gì hiện có, Giang Thơm thật sự trở thành một nơi tham quan, nghỉ dưỡng lý tưởng cho khách du lịch và người dân trong vùng. Tuy nhiên muốn Giang Thơm đạt được những điều đó, cần phải có kế hoạch tôn tạo đầu tư và khai thác, để Giang Thơm xứng đáng là một trong những danh thắng ở Quảng Nam.

Nhà cổ Tấn Ký
Đến nay chủ nhà vẫn giữ cách bày trí nội thất và sử dụng các vật dụng cổ kính có từ thời xưa. Nhiều vật chứng của thời kỳ thương mại phồn thịnh ngày xưa và sự giao lưu văn hoá giữa các dân tộc Hoa – Nhật – Việt rất phổ biến trong giai đoạn sau thế kỷ 17 hiện vẫn được giữ gìn. Đây cũng là ngôi nhà cổ đầu tiên được Bộ Văn hoá – Thông tin cấp bằng công nhận “Công trình Văn hoá” cùng hai di tích khác tại Hội An từ năm 1985.

Làng đúc đồng Phước Kiều
Người thợ đúc Phước Kiều tạo ra nhiều chủng loại sản phẩm phục vụ cho việc tế lễ, hội hè và vật dụng sinh hoạt hàng ngày như: chuông đồng, chiêng, kiểng, mõ, phèng la, lư hương, chân đèn, bình cổ… và một số nhạc cụ bằng đồng. Các nhạc cụ này có âm thanh riêng biệt, rất đặc thù. Đó là ở kỹ thuật pha trộn tỷ lệ kim loại khác nhau trong quá trình đúc đồng mà chỉ có những người thợ lành nghề mới có thể làm được.
Làng Gốm Thanh Hà
Nghề gốm của làng có nguồn gốc từ Thanh Hoá, sau khi đã tiếp thu một số kỹ thuật làm gốm của đất Quảng đã hình thành nên một làng nghề với các sản phẩm gốm phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh… Với nguyên liệu chính là đất sét với tài chế tác ở đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân các sản phẩm gốm có nhiều nét riêng biệt.

Làng mộc Kim Bồng
Nghề mộc của làng có nguồn gốc từ miền Bắc. Qua quá trình giao lưu, các nghệ nhân mộc Kim Bồng đã tiếp thu một số nét tinh hoa của các truyền thống điêu khắc chạm trổ Chiêm Thành, Trung Hoa, Nhật Bản… kết hợp với tài nghệ điêu luyện của riêng mình để làm nên những tác phẩm mang đầy tính mỹ thuật và triết học. Các sản phẩm của làng mộc Kim Bồng đã có mặt ở nhiều địa phương trong nước.

Hội quán Phước Kiến
Đến tham quan di tích này, du khách hẳn sẽ ngạc nhiên về bàn tay khéo léo của người xưa đã tạo nên một công trình nguy nga tráng lệ, vừa tinh xảo, vừa sâu lắng. Hội quán có kiến trúc kiểu chữ “Tam” kéo dài từ đường Trần Phú tới đường Phan Chu Trinh (sâu 120m) theo các trật tự: cổng – sân – hồ nước – cây cảnh – hai dãy nhà đông và tây – chính diện – sân sau – và hậu diện. Chính điện thờ Thiên hậu Thánh Mẫu (nữ thần cứu người đi biển gặp nạn), Quan Thế Âm Bồ Tát, Thần Tài, ba Bà Chúa sanh thai và 12 bà mụ. Trong chùa còn có nhiều tượng thờ, trống đồng, chuông đồng, lư hương lớn, 14 bức hoành phi và nhiều hiện vật có giá trị khác.
Hội quán Phước Kiến là một di tích tôn giáo tín ngưỡng, là điểm tham quan thu hút hàng vạn khách du lịch trong và ngoài nước.

Nhà thờ Trà Kiệu
Thánh đường hiện tại do linh mục Phê rô Lê Như Hảo xây vào năm 1971 với kiến trúc nhà thờ phương Tây thời kỳ ánh sáng kết hợp những nét hoa văn mang đậm tính dân tộc.
Trước cổng vào thánh đường là 2 con rồng dài 20m uốn lượn theo đường lên hành lang tầng trên vào chính điện nhà thờ.
Bên cạnh nhà thờ còn có tu viện Mến Thánh giá (xây dựng năm 1867), nhà truyền thống và nhà thờ Đức Mẹ (xây năm 1898) trên đồi cao 60m.

Bãi biển cửa Đại
Cửa Đại nằm cách đô thị cổ Hội An 5km về phía đông theo đường 608 nối dài. Đây là một bãi tắm lý tưởng, rộng khoảng vài chục héc ta với dải cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng nhỏ và luôn được mặt trời chiếu sáng. Cửa Đại là nơi thích hợp để xây dựng khu du lịch với nhiều loại hình vui chơi giải trí hẫp dẫn: tắm biển, thể thao nước, nghỉ dưỡng.

Tháp Chiên Đàn
Chỉ có tháp ở giữa giữ được khá nguyên vẹn, còn tháp phía bắc và phía nam đã mất các tầng phía trên. Ba ngôi tháp có hình dạng giống nhau, đế tháp hình vuông, mái tháp là các tầng thu nhỏ dần lên trên. Trên thân tháp Chiên Đàn không có hoa văn trang trí, các cột ốp tường nhô ra vừa phải. Mỗi tháp có 3 cửa giả và một cửa ra vào, phía trên cửa giả có vòm uốn cong nhọn hình lá đề. Trên các đường diềm mái bằng sa thạch có chạm một dãy mặt Kala.
Tại khu vực này còn có phòng trưng bày hiện vật Chămpa với nhiều bức phù điêu; tượng người: nữ thần, vũ nữ, các chiến sĩ cầm vũ khí; tượng linh vật: rắn Naga, chim thần Garuda, voi, sư tử, bia đá… có giá trị nghệ thuật cao được các nhà nghiên cứu và du khách quan tâm. Những tác phẩm điêu khắc trên mang phong cách nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chiên Đàn, có niên đại vào nửa cuối thế kỷ 10, là giai đoạn chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn và phong cách Bình Định.
Cẩm Nam – khu du lịch miệt vườn
Từ phố cổ Hội An nhìn về bên kia cầu, Cẩm Nam như một hòn đảo xinh đẹp được bao bọc bởi luỹ tre xanh. Theo gia phả của các tộc họ và lời kể của các vị cao niên trong làng, thì Cẩm Nam (trước đây gọi là làng Cẩm Phô) ra đời tương đối sớm so với các vùng khác của thị xã Hội An. Cuối thế kỷ 14, cồn đất hoang vu nằm giữa dòng chảy của con sông Hoài này là nơi sinh cơ lập nghiệp của những người dân di cư từ miền Bắc vào. Họ lấy nghề trồng lúa, hoa mầu và đánh bắt thủy sản làm kế sinh nhai. Các tên gọi Xuyên Trung, Châu Trung, Trung Tín, Nam Ngạn xuất hiện gắn liền với quá trình khai hoang chiêu dân, lập ấp của các vị thuỷ tổ các tộc Trần, Huỳnh, Lê, Nguyễn vào cuối thế kỷ 15 đến thế kỷ 17.
Từ đó đến nay, trải qua bao nhiêu thăng trầm, cư dân nơi đây vẫn giữ được nhiều nếp sống và sinh hoạt như thời cha ông thuở nào. Những ngôi nhà tranh tre vách đất vẫn giữ nguyên hình hài xưa, quanh năm rợp mát dưới bóng hàng dừa, hàng cau… Ðến đây, du khách như bước vào một làng quê yên bình với những nếp nhà tranh phủ khói lam chiều, thơm ngát hương hoa cau trong những khu vườn đầy cây trái. Du khách cũng sẽ gặp những chiếc ghe chở đầy bắp mới bẻ còn thơm mùi sữa, được các cô thôn nữ hối hả chèo về, gió bay nghiêng cả tà áo. Theo chân họ, du khách đến thăm các lò nấu bắp, chỉ đỏ lửa khi màn đêm buông xuống. Không chỉ có vậy, những món ăn dân dã như hến trộn, hến xào xúc bánh tráng, bánh tráng dập chấm mắm nêm, chè bắp Cẩm Nam… đã khiến cho nhiều người xa quê phải nao lòng vì nhớ, ước mong một lần trở lại.
Cẩm Nam đang có xu hướng trở thành khu du lịch nhà vườn, biểu trưng cho làng quê nông thôn miền Trung Việt Nam. Một dự án đầu tư xây dựng khu du lịch nhà vườn ven sông Hoài, nằm ở phía tây cầu Cẩm Nam, với tên gọi “Làng quê Việt Nam” đang hình thành trên diện tích 12.000 – 15.000m2. Khu du lịch “Làng quê Việt Nam” bao gồm những công trình có dáng nét đậm chất dân gian, từ cấu trúc đến vật liệu xây dựng nhà cửa (nhà ba gian, mái tranh vách đất…), kết hợp với một số kiến trúc khung gỗ, mái ngói, mang dấu ấn của ngôi đình làng xưa. Cùng với việc kiến tạo không gian, dự án sẽ tạo dựng gần như trọn vẹn các sinh hoạt thường ngày của một làng nông thôn Việt Nam trong sản xuất: tát nước gàu sòng; xe nước; cày, bừa bằng trâu bò; cấy lúa; thu hoạch; hay những hoạt động khác như: quay tơ, dệt vải, đan mây tre, chạm gỗ, giã gạo, xay lúa… Ðặc biệt, nhằm tạo thêm dấu ấn độc đáo của cảng thị Hội An những năm 20, các hoạt động như xe kéo, chụp hình trắng đen bằng máy ảnh phủ vải, cũng sẽ được đưa vào ở “Làng Việt Nam”. Thậm chí, đầu làng còn có một quán nước phục vụ các “món” đặc trưng thôn quê như chè xanh, nước đậu ván, nước dừa…
Cùng với phố cổ Hội An, du lịch ở thị xã Hội An lại có thêm một sản phẩm mới – du lịchsinh thái miệt vườn.

Chùa Chúc Thánh
Chùa được xây theo mô hình chữ tam, có phong cách kiến trúc tổng hợp của truyền thống Trung Quốc và Việt Nam với nhiều tượng lớn, trạm trổ cầu kỳ. Ở chính điện thờ Tam Thế Phật, Di Lặc, 18 vị La Hán, trước sân có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Ngoài ra trong chùa còn có nhiều ngôi tháp của Tổ sư Minh Hải, thiền sư Thiết Thọ (đời 35), Ấn Bích (đời 39), Thiện Quả,…Từ đó đến nay chùa đã được trùng tu 2 lần vào năm 1956 và năm 1964.

Hồ Phú Ninh
Nơi đây có hệ động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng, có cảnh quan thiên nhiên đặc sắc. Đặc biệt có nguồn nước khoáng thiên nhiên chứa hàm lượng khoáng chất và dinh dưỡng cao, có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Hồ Phú Ninh đã và đang trở thành một điểm du lịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn với nhiều loại hình vui chơi giải trí.

Sông Thu Bồn
Qua chặng đường dài hàng trăm cây số, khi ầm ầm băng qua các ghềnh thác, khi thênh thang băng qua những đồng ruộng phì nhiêu, làng mạc trù phú, khi ghé qua những vùng kỹ nghệ phát đạt, mỗi một đoạn sông biểu hiện một dáng dấp riêng. Nhưng bất cứ ở đâu, Thu Bồn cũng là một dòng sông hài hòa sự kết hợp giữa vẻ đẹp của thiên nhiên với sự phong phú của cải được bàn tay và khối óc của người đất Quảng gây dựng.Từ Trà Mi, dòng sông đổ về Tiên Phước. Phía dưới Tiên Phước có Thác Cả, nước đổ trắng xóa như một dải thắt lưng lụa bạch trên nền áo xanh của rừng núi. Nơi đây không gian tĩnh mịch, chỉ đôi khi mới có một đàn voi xuất hiện lội qua sông, làm náo động dòng nước ào ào. Qua khỏi Trà Linh, sông lượn mình giữa hai ngọn núi cao sừng sững như bức tường gọi là hòn Kẽm. Chân núi hòn Kẽm có nhiều phiến đá trắng, trên đó còn lưu giữ những chữ cổ Chiêm Thành. Đến Giao Thủy, sông Thu Bồn đón nhận nhánh sông Vu Gia từ Hà Tân đổ về để cùng chảy về phía Nam, rồi chia làm hai nhánh bao bọc lấy vùng Gò Nổi. Từ đó hai dòng chảy qua Chợ Củi, Câu Lâu và cuối cùng hòa nhập để ra Cửa đại. Những vùng bãi bồi ở Duy Xuyên, Điện Bàn có sông Thu Bồn chảy qua còn lưu giữ những câu chuyện nên thơ và cảm động.
Dân gian vẫn truyền nhau câu chuyện nàng thôn nữ Chiêm Sơn. Chúa thượng Nguyễn Phước Lan lúc còn trẻ sống với cha là Thụy Quận Công đang trấn thủ Quảng Nam, tại dinh trấn Thanh Chiêm. Vào một đêm trăng, công tử Nguyễn Phước Lan cùng cha thả thuyền rong chơi trên dòng Thu Bồn. Giữa đêm trăng thanh vắng bỗng có tiếng hát véo von từ một nương dâu vọng lại. Thuyền rồng vội ghé đậu ở ghềnh điện Châu. Và dưới bãi dâu xanh nhuộm ánh trăng vàng, Nguyễn Phước Lan – sau này là Chúa thượng, đã bàng hoàng trước sắc đẹp của cô thôn nữ họ Đoàn, người huyện Tiên Phước, thuộc phủ điện Bàn. Chúa cho rước về cung và cô hái dâu họ Đoàn bên dòng sông Thu Bồn kia trở thành Hiếu Chiêu Hoàng hậu, mẹ của Thái Tôn Nguyễn Phước Tần tức chúa Hiền. Hiện nay, ở Chiêm Sơn (Duy Xuyên), về phía Tây Gò Cốc Hùng, còn có lăng Vĩnh Viễn, thờ bà Hiếu Chiêu hoàng hậu. Dòng sông Thu Bồn cũng sâu sắc lắng đọng trong ký ức và tình cảm của nhiều văn sĩ đất Quảng. Trong bài thơ “Từ vùng đất quê hương”, nhà văn Nguyễn Văn Bổng viết về dòng sông Thu Bồn: “Từ làng tôi đi Hội An thì buổi chiều ra bến trên sông Thu Bồn, xuống đò. Tối, đò nhổ, rời bến, lúc chống chèo, lúc căng buồm chạy phăng phăng trên mặt nước. Nửa đêm thức giấc, chập chờn trong tiếng hò. Tiếng hò văng vẳng đâu sau lái đò mình; ơi ới trên những chiếc khác cùng xuôi dòng sông, giọng nam nữ đối đáp nhau vang vọng giữa trăng nước…Sáng hôm sau mở mắt, đò đã cắm sào bến Hội An. Hai bên sông, bên này thị xã, bên kia Cẩm Phô, tiếng gà gáy. Trên mặt nước và đường phố tiếng rao cháo hến, khoai Tiên đỏa, mì Quảng, bánh mì mật nạm (sốt vang)”. Con sông Thu Bồn có màu nước trong xanh, có bãi dâu bạt ngàn, có núi Thạch Bích, có nhiều câu hò, câu hát.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954), sông Thu Bồn là một ranh giới: Hữu ngạn trở lên phía Tây là vùng tự do; tả ngạn về phía đông là vùng tạm chiếm. Biết bao cuộc chiến đấu ác liệt chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ đã diễn ra hai bên bờ và ngay cả trên sông này.Không kể bao nhiên chiến sĩ cách mạng, bao nhiêu bộ đội, dân quân du kích, những người dân thường yêu nước đã vĩnh viễn nằm lại trên những mảnh đất gắn bó với dòng sông. Những con người ấy trở nên bất tử. Còn dòng sông Thu Bồn thì mãi mãi tươi đẹp, như một dòng mạch tràn đầy sinh lực của mảnh đất Quảng Nam – Đà Nẵng.

Đăng nhận xét

Du Lịch Miền Bắc

 
Top